Xe buýt hoạt động ngày càng khó

|

Từ năm 2020, UBND TPHCM đã phê duyệt đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn. Đề án đặt ra mục tiêu phát triển bền vững vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 đáp ứng 15% nhu cầu đi lại của người dân và tăng lên 25% vào năm 2030. Dù đã có nhiều nỗ lực thực hiện đề án, nhưng số lượng xe cá nhân vẫn tiếp tục tăng, hoạt động của xe buýt ngày càng khó khăn.

Trạm trung chuyển xe buýt trên đường Hàm Nghi (quận 1, TPHCM)

Đi xe máy lợi hơn?

Giải thích lý do đã từ lâu nay không còn sử dụng xe buýt đi làm, chị Đào Xuân Nguyên (TP Thủ Đức) cho biết, từ nhà đến công ty ở trung tâm TPHCM, sẽ phải đi 4 chặng xe buýt cho cả lượt đi lẫn lượt về, chi phí khoảng 30.000 đồng/ngày. Nếu thời tiết thuận lợi, vỉa hè thông thoáng, sạch sẽ, chi phí này sẽ chấp nhận được. Thế nhưng, thời tiết càng ngày càng cực đoan, chưa kể vỉa hè luôn bị hàng quán chiếm giữ nên người đi bộ thường phải đi xuống lòng đường, rất nguy hiểm. Đã vậy, vào giờ cao điểm sáng và chiều, xe buýt thường xuyên đến trễ do bị kẹt xe.

“Nhiều ngày, lên được xe buýt, tưởng rằng mọi thứ đã ổn thì xe buýt lại gặp sự cố kẹt xe, tôi phải xuống xe, bắt xe ôm để kịp giờ làm. Cuối cùng, tính đi tính lại, tôi quyết định dùng xe máy để đi làm”, chị Nguyên nói.

Xe buýt “chìm” trong dòng xe cá nhân, không thể đảm bảo lộ trình, từ lâu cũng đã là nỗi bức xúc lớn của chính các đơn vị vận tải bằng xe buýt. Ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM (đơn vị chiếm tới gần 50% thị phần xe buýt TPHCM), chia sẻ: Thời gian gần đây, cứ mưa lớn gây ngập là kẹt xe xảy ra. Từ đầu mùa mưa tới nay, đã có khoảng 10 ngày ngập sâu và tất cả xe buýt đang lưu thông trên đường trong thời điểm đó đều bị kẹt cứng giữa dòng xe cá nhân. Hiện số lượng hành khách vận chuyển được trên mỗi chuyến xe buýt mới bằng khoảng 50% so với thời điểm trước dịch. Những tuyến ngày trước luôn đông khách như tuyến từ trung tâm thành phố lên Làng Đại học ở TP Thủ Đức nay cũng chật vật thu hút khách. Nhiều sinh viên (khách đi xe buýt thân thiết) đã bỏ xe buýt vì xe không đảm bảo lộ trình, nhất là vào mùa thi, đòi hỏi phải đi đúng giờ.

Khó có giải pháp đột phá

Trong điều kiện hiện nay, theo ông Lê Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM (gọi tắt Trung tâm), để đảm bảo chất lượng phương tiện phục vụ hành khách, Trung tâm đã yêu cầu các doanh nghiệp vận tải thường xuyên bảo dưỡng, sửa chữa các phương tiện vận tải. Đồng thời, Trung tâm cũng tiến hành kiểm tra và kiên quyết không cho xuất bến đối với các phương tiện kém chất lượng. Ngoài ra, Trung tâm tổ chức, mở mới các tuyến xe buýt theo danh mục mạng lưới tuyến xe buýt; tổ chức lại mạng lưới tuyến xe buýt trên địa bàn trong đó lưu ý mở rộng mạng lưới tuyến kết nối đến khu vực có nhu cầu đi lại lớn tại các khu đô thị mới như Tây Bắc, Thủ Thiêm, Hiệp Phước…

Bến xe buýt trung tâm thành phố tại Công viên 23-9 (quận 1, TPHCM)

Nói về nút thắt lớn trong vận tải hành khách bằng xe buýt, đó là đảm bảo lộ trình đúng giờ cho hành khách, lãnh đạo Trung tâm cho biết, thời gian tới sẽ phối hợp các đơn vị chức năng của Sở GTVT nghiên cứu và đề xuất một số khu vực tổ chức làn đường dành riêng hoặc làn đường ưu tiên cho xe buýt để nâng cao tốc độ khai thác, đảm bảo tính đúng giờ phục vụ hành khách. Tuy nhiên, cụ thể thời gian nào thì chưa rõ.

Nhận định về điều này, nhiều chuyên gia vận tải cho rằng, khách quan, đây là việc rất khó trong bối cảnh TPHCM chưa thể kiểm soát hoạt động của xe cá nhân. Hầu hết các tuyến đường đã quá tải nên việc dành làn đường riêng, thậm chí chỉ ưu tiên trong giờ cao điểm cho xe buýt là không thể.

Theo Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải, để bảo vệ môi trường, hạn chế tai nạn giao thông, xe công cộng vẫn phải được ưu tiên phát triển. Thành phố cần áp dụng các giải pháp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân nhằm giảm mật độ phương tiện cá nhân tham gia giao thông vào giờ cao điểm, giảm ùn tắc, xung đột giao thông trong khu vực trung tâm. Tập trung triển khai các dự án giao thông thông minh. Triển khai thực hiện tổ chức không gian đi bộ khu vực trung tâm thành phố. Thực hiện bố trí, sắp xếp giờ làm việc, giờ học lệch ca. Kế hoạch triển khai ra sao, đã được xác định khá rõ trong Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông. Vấn đề còn lại là sự quyết tâm trong hành động.

Theo Sở GTVT TPHCM, TPHCM có 2.064 xe buýt, trong đó có 489 xe buýt CNG, hoạt động trên 129 tuyến. Xe buýt có tuổi đời dưới 5 năm là hơn 260 chiếc (chiếm 13,3%), từ 5-10 năm gần 1.300 xe (chiếm 63,9%), từ 11-15 năm gần 200 xe (chiếm 9,3%), từ 16-20 năm hơn 270 xe (chiếm 13,5%). Khối lượng vận tải hành khách công cộng 9 tháng năm 2023 đạt hơn 302 triệu lượt hành khách, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, sản lượng hành khách vẫn chưa khôi phục hoàn toàn so với thời điểm trước dịch Covid-19.

Thành phố hiện có hơn 8 triệu xe mô tô, 850.000 ô tô và trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 phương tiện đăng ký mới, trong đó hơn 200 ô tô và 800 mô tô.